Với những trải nghiệm tích lũy được, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tự nhận mình đang được quá nhiều và sẽ trở lại bục giảng khi kết thúc công việc ở Sabeco, nhằm góp phần vun trồng thế hệ doanh nhân sau này vững vàng hơn về tri thức.
Chưa có dịp trực tiếp làm việc với ông lần nào, nhưng khi nghe ông nói với toàn thể cán bộ, nhân viên, cũng như những đối tác của Sabeco trong Lễ tổng kết cuối năm rằng, rất may, ông đã không phải từ chức như lời ông đã hứa 1 năm trước, nếu năm 2013 không hoàn thành mục tiêu kinh doanh, tôi đặt quyết tâm phải tìm gặp được ông.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)
Cũng phải nói thêm, đối với phóng viên theo dõi ngành công thương, ông Phan Đăng Tuất là nhân vật khá quen thuộc với chức danh Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) và là một người cởi mở với báo chí.
Song, trong vị trí Chủ tịch HĐQT Sabeco, có vẻ ông lại khá kín tiếng. Có thể khoảng thời gian ở vị trí này quá ngắn, tính từ năm 2012 đến nay, chưa đủ để ông kịp ghi nhiều dấu ấn tại một doanh nghiệp nhà nước có mức nộp ngân sách đứng thứ 9 trong số các doanh nghiệp nộp ngân sách nhiều nhất năm 2013, với 12.400 tỷ đồng (tương đương 600 triệu USD). Nhưng dường như không hẳn như vậy.
Nghe ông kể, nhiều người thích không khí làm việc hiện nay tại Sabeco, chấp nhận làm hết việc chứ không hết giờ. Việc 7-8 giờ tối, thậm chí nửa đêm lãnh đạo các bộ phần gọi nhau họp để chia sẻ sự cố và cách giải quyết không còn là lạ.
“Chúng tôi hứng khởi vì cùng chia sẻ và thống nhất về mục tiêu, về công việc, về nguyên tắc coi thương mại là hàng đầu, công nghệ kỹ thuật là nền tảng, quản trị là quyết định…”, ông Phan Đăng Tuất chia sẻ về thành quả mà ông đã gặt hái bước đầu trong vị trí chèo lái một doanh nghiệp nhà nước có bề dày lịch sử.
Ông kể, vì muốn Bia Sài Gòn phải trở thành một thương hiệu mạnh thật sự ở tầm quốc gia và cả quốc tế nên khi về công tác tại Bia Sài Gòn, một trong những việc quan trọng đầu tiên mà ông thực hiện, đó là khẳng định thương mại là mặt trận hàng đầu. Bởi theo tính toán của ông, thị trường bia hiện nay cung đã vượt cầu từ 30-40%, đồng nghĩa với sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.
“Bia là sản phẩm mang tính thị trường, sự chấp nhận của người mua mang tính quyết định, nên ngoài chất lượng, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến thị trường, phải quảng cáo, tiếp thị, tìm phân khúc phù hợp nhất cho sản phẩm, phân định lại thị trường một cách bài bản”, ông đã thuyết phục cán bộ, nhân viên Tổng công ty như thế và đã thực hiện đúng như vậy trong năm 2013.
Cho tới thời điểm này, 80% thị phần thị trường bia Việt Nam đang trong tay 3 ông lớn, đó là Bia Sài Gòn (chiếm 40%), Bia Hà Nội (18-19%) và Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL – chiếm khoảng gần 20% thị phần). Tuy nhiên, sự phân chia này rất có thể sẽ có những thay đổi lớn vào năm nay và những năm tiếp theo, khi những thương hiệu lớn trong thị trường bia thế giới đã bắt đầu xuất hiện khá rầm rộ ở Việt Nam, với những kế hoạch đầu tư kinh doanh đầy tham vọng.
Đặt thẳng vấn đề với ông rằng, 5 năm tới, liệu Bia Sài Gòn có đủ sức cạnh tranh với bia ngoại trên sân nhà? Có lẽ đánh trúng vào tâm tư, ông Tuất trả lời ngay, không đắn đo: “Nếu hỏi người lính trước khi ra trận rằng, anh đánh trận này thua hay thắng, thì người lính điên rồ sẽ nói là sẽ thắng; người lính hèn nhát sẽ nói là sẽ thua. Tôi chỉ có thể nói là, chúng tôi sẽ quyết tâm chiến đấu hết mình. Chúng tôi theo đuổi lý tưởng và sẽ chiến đấu đến cùng với lý tưởng của mình”.
Lý tưởng đó, theo ông Tuất, đó là mọi người cùng yêu bia Sài Gòn và người Việt Nam sẽ biết cách ứng xử với hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ,bởi cuộc sống của từng người dân Việt, của nền kinh tế và cả đất nước này sẽ thế nào nếu không có các doanh nghiệp Việt, hàng hóa Việt…
Chợt nhớ, ông đã từng chia sẻ với báo giới rằng, chính ông là người đã phát kiến ra slogan: “Tôi yêu Bia Sài Gòn” – hình trái tim cách điệu từ chữ Y (yêu) và chọn diễn viên – siêu mẫu Bình Minh làm Đại sứ thương hiệu. Có thể đây là một chiêu marketing tài tình và tinh tế trong chiến lược tiếp thị mới mà ông Tuất, vốn là một chuyên gia trong lĩnh vực này, đã chọn để đưa bia Sài Gòn thân thiết hơn với các thế hệ người Việt. Song hẳn ông cũng phải đau đáu nhiều về sự yếu thế của hàng nội ngay trong tâm lý tiêu dùng của người Việt…
Ông nói, ông có một niềm tin là tinh thần dân tộc dành cho hàng nội của người Việt Nam sẽ lên cao và khi đó hàng nội sẽ lên ngôi.
Từng có 9 năm trong vị trí Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, nên cũng dễ hiểu khi ông nhạy cảm và bình luận rất chi tiết các đề xuất chính sách mới. Trong đó, ông rất bức xúc với Đề án dán tem đối với bia đang được Bộ Công thương xây dựng. Ông nói, ông lo lắng với những đề xuất của Đề án.
“Trước hết, lo vì sự chặt chẽ, tính chuyên môn của Đề án chưa được. Đối tượng và phạm vi của đề án không rõ; những đánh giá thông tin trong và ngoài nước quá sơ sài, hoàn toàn là suy diễn…”, ông nói và đặt hàng loạt câu hỏi rằng, lợi ích, hiệu quả của đề án này mang lại là cái gì, tính hướng đích là thế nào; rồi thì để nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với sản phẩm bia mà chỉ làm mỗi việc dán tem thì có được không, vv và vv…
Chưa nói đến ảnh hưởng của Đề án nếu được thực hiện với Sabeco, nhưng có vẻ như chất của một nhà nghiên cứu trong ông vẫn rất đậm đà. Ông tính toán rất nhanh, nếu theo kế hoạch, năm 2014 Sabeco sản xuất và tiêu thụ khoảng 1.370 tỷ lít bia (tương đương 4 tỷ lon bia), với chi phí dán tem chiếm 2% giá trị mỗi lon bia, như Đề án tính toán, như vậy, riêng Sabeco đã phải tốn khoảng 800 tỷ đồng để dán tem, chưa kể máy móc thiết bị mua máy dán tem, chi phí lắp đặt, vận hành, sửa chữa.
Tính trên cả nước, năm 2014 dự kiến tiêu thụ khoảng 3,3 tỷ lít bia (10 tỷ lon). Vậy chi phí cho dán tem cho bia đã lên tới 2.000 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD). Nếu như dán tem cả nước ngọt, nước giải khát của Dr.Thanh và các loại khác, ông nhẩm tính, mỗi năm sẽ phải chi thêm khoảng 300 triệu USD. Nhiều trong số tiền khổng lồ này sẽ phải đổ ra nước ngoài để đầu tư thiết bị, máy móc dán tem hiện phải nhập khẩu hoàn toàn…
“Đó là sự lãng phí cực lớn. Nếu tôi không nói ra được điều này, tôi cảm thấy có lỗi với đất nước, với dân tộc”, ông Tuất trăn trở và bức xúc vô cùng…
Trong một lần trả lời báo giới, ông Phan Đăng Tuất từng trải lòng rằng, cũng nhờ bước chân sang kinh doanh, ông mới thấu hiểu hết nỗi khổ, nỗi bức bối của doanh nghiệp đối với những chính sách “trên trời”, những chính sách mà trước kia, ông có lên tiếng là chưa phù hợp thì cũng chỉ là trong tư cách của nhà nghiên cứu, đứng bên ngoài doanh nghiệp.
Cũng nhờ đặt chân vào công việc này, ông cũng mới thấy hết khoảng cách không nhỏ giữa thực tế quản trị của nhiều doanh nghiệp nhà nước và thông lệ quốc tế. Ngay cả cái tên đầy đủ của Sabeco hiện giờ liệt kê đủ ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, theo ông phân tích, là ví dụ sinh động cho một cách kinh doanh theo kinh nghiệm, thiếu bài bản của một giai đoạn lịch sử đã qua… Ông cũng muốn thay đổi điều này khi đề nghị đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Bia Sài Gòn.
Lúc này, như ông nói, ông đang có những trải nghiệm trong thực tiễn trần trụi của hoạt động kinh doanh. Cộng với những lý thuyết, học thuật tích lũy được, ông tự nhận mình đang được quá nhiều, nên ông sẽ viết sách, sẽ trở lại bục giảng khi kết thúc công việc ở Sabeco…
“Tôi muốn góp phần vun trồng thế hệ doanh nhân sau này vững vàng hơn về tri thức. Các bài giảng của tôi, các cuốn sách của tôi tới đây sẽ hay hơn trước nhiều với tất cả những gì tôi đã trải qua, đã chiêm nghiệm về nền kinh tế này, thiết chế này, đặc biệt là những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp